10 điều thú vị bạn nên biết về mì ăn liền
Có lẽ tất cả chúng ta đều biết, mì ăn liền là món ăn hết đỗi quen thuộc trong ký túc xá sinh viên, cũng là "vị cứu tinh" cho những bữa ăn cuối tháng hết tiền. Thế nhưng bạn có biết rằng, người Nhật chính là những người đưa mì ăn liền phổ biến ra toàn thế giới, thông qua món Ramen ăn liền hay không?
Rất nhiều người, coi Ramen như một phần của văn hóa Nhật Bản. Rằng, đã tới xứ sở hoa anh đào mà không thưởng thức Ramen thì coi như chuyến đi vẫn chưa hề trọn vẹn.
Ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp các cửa hàng Ramen ở hầu hết các thành phố lớn trên thế giới. Sợi mì Ramen còn xuất hiện trong nhiều món ăn khác nhau, như bánh mì kẹp Ramen, Ramen kẹp tôm hùm, thậm chí, là cuốn trong cả Burritto (một món ăn nổi tiếng của Mexico). Và đương nhiên, để phục vụ những cô cậu sinh viên lười nấu nướng, hay những anh chàng công sở bận rộn, không thể thiếu được món Ramen ăn liền.
Dưới đây, là 10 thông tin thú vị về món ăn nổi tiếng này.
1. Gói Ramen ăn liền đầu tiên được coi như một thứ "xa xỉ phẩm" trong siêu thị
Có ai biết rằng, món ăn "bình dân" này đã từng được coi như hàng "xa xỉ phẩm"
Ngày nay, rất nhiều người trên thế giới coi Ramen ăn liền như một món ăn "ngon, bổ, rẻ". Thế nhưng, đã từng có một thời, mì ăn liền được coi như "món ăn sang" tại Nhật Bản. Momofuku Ando, người sáng lập ra thương hiệu Ramen ăn liền Nissin nổi tiếng toàn cầu, tạo ra gói Ramen gà ăn liền như một món ăn tiện lợi, có thể ăn mọi lúc mọi nơi vào năm 1958 - thời điểm mà lương thực vẫn còn tương đối thiếu thốn. Thế nhưng, khi lên kệ siêu thị, "Ramen gà ăn liền" lại biến thành một thứ xa xỉ phẩm, bởi giá thành của chúng cao hơn tận 6 lần so với một gói mì Udon tươi.
2. Đây là món ăn bán chạy nhất tại nhà tù đảo Rikers
Lúc nào cũng vậy, nhà tù trên đảo Rikers, New York luôn phải đảm bảo không bao giờ để mì cốc rơi vào tình trạng "cháy hàng". Món ăn này lúc nào cũng được các phạm nhân tiêu thụ với tốc độ rất lớn, một phần nhờ việc đáp ứng đủ cả ba nhu cầu "ngon, bổ, rẻ". Và kể cả khi các phạm nhân chán ăn mì, họ vẫn mua mì cốc, chỉ để lấy gói gia vị, đặng còn trộn chung với mấy món ăn nhạt nhẽo được phục vụ tại nơi đây.
3. Hãng mì Nissin chỉ có hai loại mì vị "Oriental" và vị cay để phục vụ người ăn chay
Nấu nhanh, ăn nhanh, giá rẻ, lại còn chẳng mất công rửa bát - tiện lợi vô cùng
Bởi lẽ, những vị khác như "Gà", "Bò", hay "Tôm" đều có chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật. Cụ thể hơn, trong gói gia vị của mì gà và mì bò đều có chứa mỡ động vật, còn mì tôm có chứa bột tôm ở trong thành phần.
4. Một số người, thay vì "đun nước úp mì", thì họ thích thưởng thức món "mì tôm sống" hơn
Ắt hẳn ai trong chúng ta cũng đều từng thưởng thức món "mì tôm sống" rồi
David Chang - người sáng lập ra đế chế nhà hàng Momofuku - là một người như vậy. Theo như lời ông nói trong "Mind of a Chef", về việc cắn một vắt mì sống có rắc gia vị:
"Khi đó, tôi mới chỉ khoảng 8 tuổi. Sau khi đi học về, thay vì ăn bánh kẹo như mọi đứa trẻ khác, tôi chọn món mì tôm sống. Tất nhiên, ngày ấy tôi cũng chẳng quan tâm là ăn uống như vậy có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hay không. Chỉ đơn giản là tôi thích nó, vì ăn như vậy rất ngon."
5. Từ "Ramen" bắt nguồn từ tiếng Trung Quốc
Có lẽ, người Nhật cần phải cảm ơn Trung Quốc về tên của loại mì nổi tiếng này. Theo như cuốn "Being Japanese American" của Gil Asakawa, "ramen" là phiên âm tiếng Nhật của từ "Lo mein" (撈麵 - lao miến) trong tiếng Trung. Món "Lo mein" của người Trung Quốc được chế biến bằng cách luộc mì trong một loại nước dùng đặc biệt làm từ nước tương, ăn cùng với rau củ luộc cũng như thịt nướng. Tất nhiên, đây không phải là giả thuyết duy nhất về tên gọi của Ramen.
Theo nhiều nhà nghiên cứu khác, thì từ gốc của Ramen trong tiếng Hán là "lamian" (拉麺 - lạp miến) - tên gọi chung cho mì tươi được kéo sợi theo phương pháp thủ công truyền thống. Nhưng dù gì đi nữa, thì cũng không thể phủ nhận được rằng món Ramen của người Nhật một phần được truyền cảm hứng từ món mì Trung Hoa.
6. Và Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ mì ăn liền mạnh nhất thế giới
Mì Tong-Yi nức tiếng Trung Hoa
Theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (nghe thì có vẻ như đùa, nhưng mà hiệp hội này tồn tại thật), Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ nhiều gói mì mỗi năm nhất trên thế giới. Năm 2013, quốc gia này tiêu thụ tới hơn 46 tỉ gói mì. Loại mì bán chạy nhất của Trung Quốc là mì ăn liền hiệu Tong-Yi. Nhãn hiệu này xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ những sạp hàng bên hè phố, cho đến cả trong siêu thị Walmart.
7. Người Nhật coi Ramen ăn liền là phát minh vĩ đại nhất của họ
Theo như một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2000 bởi Viện nghiên cứu Fuji, người Nhật cảm thấy tự hào nhất bởi việc giới thiệu món mì ăn liền ra với thế giới. Đối với họ, mì ăn liền mới thực sự là biểu trưng cho thương hiệu "Made in Japan", khi mà món ăn này đã phổ biến khắp toàn cầu.
8. Về cơ bản, nếu bữa nào cũng ăn mì ăn liền thì một năm bạn chỉ tốn 140$ tiền thức ăn
Hôm nay sẽ nấu cơm tử tế... à mà thôi lười quá nên đi úp mì đây
Có lẽ, phẩm chất "sáng giá" nhất của mì ăn liền chính là ở mức giá vô cùng "bình dân" của chúng. Trung bình, một gói mì ăn liền chỉ có giá khoảng 13 cent (tức khoảng 3.000 đồng). Tính ra, nếu bạn ăn mì cả năm, thì tiền ăn của bạn chỉ rơi vào khoảng 142 USD. Trong khi tính trung bình tại Mỹ, mỗi người tốn khoảng 7.852 USD tiền ăn mỗi năm.
9. Tại Yokohama, Nhật Bản có nguyên một bảo tàng trưng bày mì ăn liền
Những cốc Ramen trong quá khứ
Đúng như tên gọi của mình - Bảo tàng Mì cốc - toàn bộ không gian nơi đây trưng bày đầy đủ quá trình phát triển của mì ăn liền qua thời gian. Thậm chí, tại đây còn có cả một "nhà máy mì ăn liền" để hỗ trợ khách thăm quan có thể tạo ra cốc mì của riêng mình. Theo như trang chủ của viện bảo tàng, nhà máy có thể tạo ra tới hơn 5.460 hương vị mì khác nhau, đủ đáp ứng mọi nhu cầu của thực khách.
10. Ramen ăn liền là món mì đầu tiên được ăn ngoài vũ trụ
Gói mì đã đi tới tận vũ trụ xa xôi
Tham vọng của Momofuku Ando không chỉ dừng lại ở Trái Đất, mà ông còn muốn phục vụ mì ăn liền cho những thực khách ngoài không gian. Năm 2005, 2 năm trước khi Ando qua đời, ông đã thành công trong việc tạo ra "Space Ram" - một gói mì ăn liền đặt trong bao chân không để có thể sử dụng trong môi trường không gian. Gói mì này đã đồng hành cùng phi hành gia người Nhật Soichi Noguchi trong chuyến đi vào vũ trụ trên con tàu Discovery.
Theo GenK