Tìm hiểu sự tích Thần tài
Tại sao và từ đâu lại có tục thờ Thần tài vào ngày mùng 10 tháng Giêng hoặc mùng 10 âm lịch hàng tháng?
Từ lâu Thần tài đã là vị thần quen thuộc với mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người làm kinh doanh. Tục thờ Thần tài có xuất xứ từ Trung Quốc, xuất hiện ở Việt Nam vào những năm đầu thế kỉ 20.
Phong tục thờ Thần tài thường diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hoặc mùng 10 âm lịch hàng tháng. Có nhiều câu chuyện kể về nguồn gốc của vị thần tài lộc này, song tựu chung đều có liên quan đến công việc, làm ăn:
1. Sự tích “Âu Minh – Như Nguyện”
Ngày xưa, có một lái buôn tên là Âu Minh, khi đi thuyền qua hồ Thanh Thảo, được Thủy Thần tặng cho một cô hầu gái tên là Như Nguyện. Từ khi có Như Nguyện, việc buôn bán của Âu Minh ngày càng phát đạt, chỉ trong vòng vài năm mà trở nên giàu có.
Một ngày Tết Nguyên đán, Âu Minh tức giận đánh Như Nguyện. Như Nguyện sợ quá trốn vào đống rác. Kể từ đó, việc buôn bán của Âu Minh bắt đầu thua lỗ, chẳng bao lâu thì sạt nghiệp.
Người ta cho rằng, Như Nguyện chính là hiện thân của Thần tài. Do đó ta có tục kiêng quét rác trong ba ngày Tết, sợ Thần tài không có chỗ trốn mà đi mất thì việc làm ăn sẽ trở nên xui xẻo, thất bại. Bàn thờ Thần tài cũng được đặt sát nền đất hay nền gạch, ở góc nhà hoặc gần hiên.
Thần tài thường được thờ cùng với Thổ địa. |
2. Sự tích ngày mùng 10 tháng Giêng
Chuyện kể rằng Thần tài vốn chỉ có ở trên trời. Trong một lần đi chơi say rượu, ông bị rơi xuống trần gian, va đầu vào đá, mê mệt không biết gì. Sáng ra mọi người thấy một người ăn mặc giống như diễn tuồng, lấy làm lạ, tưởng là người điên nên lột sạch quần áo mũ nón đem đi bán.
Thần tài tỉnh dậy, không nhớ mình là ai, không có quần áo mặc lại không biết việc làm việc gì ở trần gian nên đành phải đi xin ăn khắp nơi. Một nhà kia bán thịt quay đang ế ẩm, mời Thần vào cho ăn. Lạ thay từ lúc Thần tài vào quán, khách khứa kéo đến nườm nượp, khách ở quán đối diện cũng sang hết thảy. Chủ quán mừng rỡ, liền ngày nào cũng mời ông lão ăn xin đến.
Được một thời gian, ngán ngẩm trước ông già lang thang bẩn thỉu, chẳng làm gì mà chỉ biết ăn, lo khách sợ không đến nữa nên chủ quán đuổi Thần tài đi.
Quán đối diện thấy vậy liền ngay lập tức mời Thần tài vào, sự việc kì lạ lại xảy ra tương tự. Các hàng quán sau đó thi nhau mời ông đến nhà mình, thấy ông không có quần áo, người dân liền dẫn ông đi mua lại bộ đồ đã bị bán. Mặc quần áo, Thần tài nhớ lại thân phận của mình và bay về trời.
Ngày Thần tài bay về trời chính là mùng 10 tháng Giêng. Do đó cứ hàng năm, hàng tháng mọi nhà lại lấy mùng 10 là ngày vía Thần Tài.
Bàn thờ Thần tài - Thổ địa thường được đặt dưới đất, ở góc nhà |
3. Sự tích “Triệu Công Minh”
Ngày xưa, ở vùng núi Võ Đang có một ông già tên Triệu Công Minh. Nhà nghèo, ông phải đi khắp nơi xin quần áo cũ và cơm thừa để ăn, mặc. Ông có một con chó đen già và một con vịt lông vằn không đẻ trứng.
Gần đấy có một phú hộ gọi là Tiền Viên Ngoại, tính xa xỉ lãng phí, cơm ăn không hết đem đổ xuống cống, áo mặc cũ bỏ vào đống rác. Ông lão Triệu thấy vậy mới gom hết các quần áo cũ đem phân phát cho những người nghèo, lấy canh thừa cơm cặn về nuôi chó và vịt.
Bỗng một hôm, con vịt đẻ ra 10 quả trứng vàng, con chó già thì khạc ra 10 thoi bạc. Từ đó, mỗi ngày vịt và chó đều đẻ và khạc ra vàng bạc. Ông Triệu trở nên giàu có, còn Tiền Viên Ngoại thì càng ngày càng nghèo, sau đi ăn xin gặp lại Triệu Công Minh, được giúp cho một số tiền vốn để làm ăn. Nhưng chứng nào tật nấy, lão Tiền hoang phí lại trở nên nghèo khổ.
Nổi tính tham lam, lão lén đến đốt nhà định giết ông Triệu để chiếm đoạt tài sản. Con vịt biến thành chim Phụng bay lên trời, con chó già hóa cọp cắn chết lão Tiền, còn Triệu Công Minh không chết mà biến thành Thần tài. Tài sản của lão Triệu đều hóa thành đá.
Theo Phunutoday