7 phong tục không thể thiếu cho năm mới nhiều may mắn
Năm mới sắp đến, đừng quên làm theo những phong tục cổ truyền sau đây để có một năm mới tròn đầy và may mắn bạn nhé.
1. Đi chùa hái lộc
Hái lộc đầu năm là một nét văn hóa của người Việt |
Vào sáng sớm ngày mùng 1 Tết hoặc ngay trong đêm Giao thừa khi đã cúng sang canh, nhiều gia đình thường rủ nhau đến một ngôi chùa gần nhà để cầu mong năm mới khỏe mạnh, phát tài, phát lộc. Sau đó, mỗi người sẽ hái một cành lá sum suê, tươi tốt và đặc biệt phải có đủ lá non, lá già, có cả hoa và quả non càng tốt, về cắm trên bàn thờ mong mọi điều mình mong ước thành hiện thực.
2. Xông đất
Xông đất là chọn người hợp tuổi đến nhà cho một năm mới thuận lợi |
Miền Bắc, miền Nam gọi là “xông đất”, còn miền Trung vẫn giữ nguyên tên gốc của tục này là “đạp đất”. Người Việt quan niệm ngày mồng Một Tết, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm cũng sẽ được tốt lành thuận lợi. Chính vì thế, họ luôn mời ai đó hợp tuổi đến nhà mình chơi vào ngày mùng 1 hàng năm.
3. Lì xì
Người lớn lì xì trẻ em và người cao tuổi để chúc năm mới bình an, khỏe mạnh. |
Trong những ngày tết, mọi người đến nhà người thân và bạn bè thăm hỏi, chúc tết đều không quên mừng tuổi cho trẻ em và những người cao tuổi. Mừng tuổi đầu năm như một lời chúc sức khỏe, an lành và sung túc.
4. Chưng đào, quất, mai
Chưng hoa đào, mai và quất để mang lại may mắn, sung túc trong năm mới |
Đào, quất, mai là những cây cảnh không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt vào dịp Tết. Màu hồng đỏ rực rỡ của hoa đào vừa tạo không khí mùa xuân tươi vui, vừa có ý nghĩa xua đuổi tà ma, đem lại may mắn vào năm mới. Loại đào phổ biến nhất là đào bích với bông to, nhiều cánh, màu đậm. Quất tượng trưng cho sự sung túc và may mắn, còn hoa mai là biểu tượng của sự vinh hiển và thành đạt.
5. Xin chữ, xin câu đối
Xin chữ đầu năm là một nét đẹp tượng trưng cho truyền thống hiếu học của người Việt |
Đây là một nét đẹp văn hóa của người Việt, tượng trưng cho truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa. Người dân thường tới nhà các cụ cao niên, đền chùa hoặc Văn Miếu để xin những chữ có ý nghĩa tốt đẹp như Phúc, Lộc, Đức… nhằm cầu mong một năm mới may mắn, như ý. Đặc biệt, nhà nào có con cái đang đi học lại càng chú trọng tục lệ này.
6. Bày mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả tượng trưng cho sự hài hòa âm dương, ngũ hành, trời đất |
Mâm ngũ quả là phong tục không thể thiếu của người dân Việt Nam trong dịp đón Năm mới. “Ngũ” là số 5, con số biểu trưng của sự sống như ngũ hành, ngũ vị, ngũ sắc, ngũ tạng… Quả (trái cây) thể hiện sự sung túc, dồi dào, ra hoa kết trái. Mỗi miền, mỗi vùng có một cách bày ngũ quả khác nhau, nhưng đều chọn các loại quả có ý nghĩa đặc biệt.
7. Mua muối đầu năm
Mua muối đầu năm cho năm mới an lành, thịnh vượng |
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” chắc hẳn là câu người Việt nào cũng thuộc. Theo quan niệm từ xa xưa, muối mặn có thể trừ tà, đem lại may mắn và tượng trưng cho tình cảm bền chặt, keo sơn. Do đó, vào ngày khai xuân đầu tiên trong năm mới, mọi người thường mua một bát muối đầy có ngọn với mong ước năm mới an lành, thịnh vượng, mọi người trong nhà hòa hợp, gắn bó.
Theo Phunutoday