Không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng, Cái Bang là bang hội từng tồn tại trong xã hội Trung Quốc đồng thời sở hữu những bí mật và các quy tắc ngầm ít ai biết tới.
Trong tiểu thuyết của Kim Dung, Cái Bang còn được biết tới với danh hiệu “giang hồ đệ nhất Cái Bang”, có bang hội trải rộng khắp tứ phương, bốn biển.
Bang phái này từng sản sinh nên nhiều bậc đại anh hùng như Hồng Thất Công, Tiêu Phong, nhưng cũng có những kẻ là “ngụy quân tử” như Trần Hữu Lương, Trang Tụ Hiền,…
Trên thực tế, những người hành khất ở thời nào cũng có, nên Cái Bang là bang hội thực sự tồn tại chứ không chỉ có trong tiểu thuyết.
Những tổ nghề “nổi danh thiên hạ” và sự ra đời của “đả cẩu bổng”
Ăn xin bị coi là tầng lớp dưới cùng của xã hội, lấy việc hành khất làm kế sinh nhai. Tổ chức của những người này thường được biết tới với tên gọi Cái Bang.
Cái Bang xuất hiện ở các thành thị phồn thịnh từ thời nhà Tống. Mạnh Nguyên Lão trong cuốn “Tokyo mộng hoa lục” từng ghi lại: “Những người ăn xin này cũng có quy củ, chỉ cần hành động có chút buông lỏng liền bị xử trí.”
Tầng lớp này phát triển qua các triều đại Nguyên, Minh, đến thời nhà Thanh đã có số lượng tăng lên đáng kể. Mọi nghề trong thiên hạ đều có “tổ nghề” (người sáng lập) và Cái Bang cũng không ngoại lệ.
Những tổ nghề được các đệ tử bang hội thờ phụng gồm có Phạm Đan,Chu Nguyên Chương, Võ Tòng, Tần Quỳnh, Ngũ Tử Tư. Trong đó, Phạm Đan là vị sư tổ có “thần uy” lớn nhất, vì ông chính là người đã có công cứu mạng Khổng Tử.
Theo nhiều giai thoại truyền lại, năm xưa Khổng Tử trên đường chu du liệt quốc, đi tới địa phận nước Trần thì cạn lương thực, liền được Phạm Đan cứu giúp mới tai qua nạn khỏi.
Khổng Tử để đáp lại ân tình của Phạm Đan đã nói: “Phàm là những nơi trên cửa có chữ viết, trên tường có tranh vẽ, trong nhà có nhiều sách, đều là đệ tử của ta, ông muốn gì cũng có!” Sau đó, Khổng Tử lại hỏi Phạm Đan: “Môn đồ của ông có đặc điểm gì?”
Phạm Đan nói: “Quần áo tả tơi, đầu tóc rối bời, chính là đệ tử của tôi", rồi hỏi lại rằng: “Nhà của đệ tử Nho gia đều có chó giữ cửa, làm thế nào để đối phó được?” Khổng Tử khi ấy nghiêm mặt đáp: “Chó cắn thì cầm gậy đánh!”
Chính vì vậy, những người ăn xin có thứ pháp bảo gọi là “đả cẩu bổng” (gậy đánh chó), còn được gọi với tên khác là “gậy xin cơm”.
"Đả cẩu bổng" được biết tới như "pháp bảo" của Cái Bang (tranh minh họa).
Về sự tích của “đả cẩu bổng”, dân gian còn lưu truyền một giả thuyết khác. Theo đó, loại pháp bảo này được truyền lại từ thời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.
Năm xưa, Chu Nguyên Chương gặp cảnh nghèo túng, phải lưu lạc giang hồ, ăn xin dọc phố. Ông từng được hai người ăn mày cứu giúp, nên sau khi bình định tứ hải đã hạ lệnh tìm họ để báo đáp ân tình.
Được Hoàng đế ban thưởng chức tước, nhưng hai người ăn mày này từ chối.
Chu Nguyên Chương liền thưởng cho mỗi người một cây gậy gỗ dài một thước, phía trên có túi, hai bên có hình bông lúa, một cây gậy màu vàng, một cây màu xanh, đều có khắc chữ “Can”. Sau này, hai chiếc gậy đó được coi như tín vật của thủ lĩnh đứng đầu Cái Bang.
Cũng chính từ đây, hai nhánh của Cái Bang được hình thành. Những người theo phái “hoàng can” (gậy vàng) chủ yếu là các quý tộc gặp cảnh nghèo túng, bang chủ thường là vương công, bối lặc.
Những người này thường ngày sẽ không ăn xin trên phố, chỉ đến các ngày lễ tết trong năm mới đi khất thực.
Nhóm người theo “lam can” (gậy xanh) là những người khất thực bình thường. Họ thường đi thành nhóm hai người, một hát khúc, một gõ trống. Khi đến các cửa tiệm, chủ tiệm sẽ chủ động ra cửa đưa 5 đồng tiền.
Nếu không có thủ tục này, hôm sau sẽ là bốn người, sau đó là sáu người, tám người,…tìm đến cửa hàng. Số lượng hành khất tụ tập tại đây cứ vậy mà tăng theo cấp số nhân.
Họ cứ đứng vây trước cửa, không nói lời nào. Chủ quán muốn yên ổn làm ăn thì buộc phải “bố thí”.
Trên thực tế, những cây “đả cẩu bổng” phổ biến được sơn màu đỏ, bên trên có túi cũng màu đỏ, dùng để treo ở các nhà hoặc những nơi dễ thấy.
Tân bang chủ kế nhiệm đều phải cúi đầu hành lễ trước tranh vẽ tổ nghề và “đả cẩu bổng”. Những người muốn gia nhập Cái Bang cũng đều phải hành lễ trước cây gậy này.
Bang chủ chính là người quyết định sự hưng, thịnh của Cái Bang (ảnh minh họa).
Những hình thức “xin tiền” không tưởng
Vì có số lượng thành viên đông đảo, phân bố rộng khắp, nên Cái Bang ở bất kỳ địa phương nào cũng sở hữu thế lực không nhỏ.
Các gia đình giàu có muốn tổ chức việc gì, trước nhất đều phải mời bang chủ Cái Bang đến dự, thậm chí còn an bài ghế trên cho ngồi.
Bang chủ đến nơi sẽ đem “đả cẩu bổng” treo ở cửa chính. Những người ăn mày khác biết bang chủ ở bên trong, cũng không dám gây rối, chủ nhà cho bao nhiêu lấy bấy nhiêu.
Ngược lại, nếu nhà có đại sự mà không mời bang chủ, những kẻ ăn xin sẽ tìm đến quấy rối, có cho tiền cũng không đuổi đi được. Lúc này, chủ nhà không còn cách nào khác, đành phải lạy lục xin hòa giải, tình nguyện bỏ ra một số tiền lớn để êm chuyện.
Cái Bang cũng tồn tại những hình thức thu tiền dưới lốt "ăn xin" (ảnh minh họa).
Một số Cái Bang còn xưng hùng tại địa phương nhờ thân phận được thừa nhận chính thức. Theo đó, tiền của Cái Bang thu được cũng được chính quyền ngầm thừa nhận.
Các cửa tiệm muốn yên ổn làm ăn sẽ phải đóng một loại “phí bảo hộ” cho bang chủ. Sau đó, bang chủ sẽ xuất ra giấy tờ hoặc tín vật dán trên tường nhà để chứng minh “tính hợp pháp” của cửa tiệm.
Đây chính là “bùa hộ mệnh” cho các chủ tiệm tránh được “nạn ăn xin” để yên ổn làm ăn.
Phí bảo hộ ở mỗi địa phương lại có thời gian và quy định thu khác nhau. Khu vực trung du, hạ nguồn Trường Giang thường thu vào tháng 2 và tháng 8.
Vào thời Vãn Thanh, loại phí này thì mỗi năm tiến hành thu hai lần, lần thứ nhất là 3000 đồng, lần thứ hai là 2000 đồng.
Ăn mày cũng phải có… luật lệ!
Nếu muốn hành nghề ăn xin tại một khu vực nào đó, người này nhất định phải được Cái Bang ở địa phương thu nhận.
Ăn mày muốn gia nhập bang phái sẽ phải được hai người là “Văn Võ tiên sinh” tiến cử, sau đó tiến hành bái sư thì mới được chính thức công nhận và hành nghề.
Nghi thức bái sư ở mỗi địa phương lại có sự khác biệt. Có nơi chỉ cần tiến hành thắp hương, cúi đầu bái trước sư tổ Phạm Đan và sư phụ là xong nghi thức, có nơi lại tiến hành nhiều nhiều khâu tương đối rườm rà, quy củ.
Người muốn "hành nghề" khất thực trước hết phải tiến hành bái sư để gia nhập Cái Bang (ảnh minh họa).
Ở Hán Khẩu, những người muốn gia nhập Cái Bang phải trải qua một thời gian thử thách, đạt yêu cầu mới được tiến hành bái sư.
Nghi thức bái sư sẽ được cử hành trong hương đường (nhà thờ tổ). Sư phụ sẽ đứng cạnh bàn thờ, hai bên là “Văn Võ tiên sinh”. Đồ đệ sẽ quỳ gối lên một cây gậy để tuyên thệ.
Tiếp đó, sư phụ sẽ lần lượt cầm các công cụ hành nghề gồm có ống trúc (dùng để móc mắt), nước (để lấy máu), cờ (dùng để “hành lệnh”). Đồ đệ phải trả lời đúng công dụng của những đồ vật này thì mới hoàn thành nghi lễ nhập bang.
Khi gia nhập bang phái, người ăn mày trước đó có của nải gì đều phải giao nộp cho sư phụ. Sư phụ sẽ dùng số tiền này để mua thêm quần áo cho đồ đệ vào mùa đông, mua thuốc chữa bệnh hoặc mai táng cho những đồ đệ xấu số.
Trên thực tế, "nghề ăn mày" cũng có rất nhiều luật lệ, quy củ nghiêm ngặt. (tranh minh họa).
Cái Bang ở các nơi có nhiều điểm bất đồng, nhưng quy củ lại rất thống nhất.
Theo đó, hành khất thì không được trộm cắp, không được ăn nói xằng bậy, không được nghe lỏm chuyện gia sự của người khác, chỉ được ăn xin ở cửa vào hoặc cổng chính, không được xông vào nhà,…
Thời Dân quốc, ở Hán Khẩu còn đặt ra 10 điều bang quy cho Cái Bang. Trong đó có những điều cấm như: cấm qua lại với gái làng chơi, cấm làm nội gián, cấm gây xích mích tạo thị phi…
Nếu vi phạm những điều này, đệ tử Cái Bang nhẹ thì bị phạt quỳ rồi dùng roi gai đánh, nặng thì móc mắt, chặt tay chân, cắt lưỡi, thậm chí nhét vào bao rồi mang đi chôn sống.
Cái Bang chân thật trong lịch sử chính là những tầng lớp ở đáy cùng của xã hội, vì sinh tồn mà kết thành tổ chức. Họ không có cơ hội hành hiệp trượng nghĩa, lại vì mưu sinh mà phải làm ra một số thủ đoạn, âu cũng là do số phận, giang hồ đưa đẩy mà thành.
Theo Soha