Trước đây nhiều nhà khoa học khẳng định hôn là một trong những cách để một cá nhân cảm nhận bạn tình có phải là đối tượng để chung sống trọn đời hay không. Theo họ thì nước bọt mà hai bên trao đổi với nhau khi hôn giúp chúng ta đánh giá khả năng sinh sản, sức khỏe và chất lượng gene.
Nhưng các nhà tâm lý của Đại học Leed và Đại học Central Lancashire (Anh) cho rằng con người có thể đánh giá những yếu tố trên mà không cần phải có tình cảm thắm thiết.
"Chúng ta hoàn toàn có thể lấy được thông tin về mùi cơ thể, khả năng sinh sản, sức khỏe, chất lượng gene và nhiều thứ khác của một người bất kỳ bằng cách tới gần người đó, chứ không cần thực hiện sự tiếp xúc giữa hai cái miệng. Hôn chỉ giúp chúng ta lấy được một chút thông tin ít ỏi. Điều đó không thể là nguyên nhân khiến nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác", tiến sĩ Colin Hendrie, một nhà tâm lý của Đại học Leeds, khẳng định.
Ảnh: Getty Images.
Một nghiên cứu của Hendrie và cộng sự chứng minh rằng, trong quá trình hôn, nữ giới tiếp nhận Cytomegalovirus - một loại virus tồn tại trong nước bọt. Trong điều kiện bình thường virus này không gây nên bất kỳ vấn đề nào. Nhưng khi phụ nữ mang thai nó có thể giết chết hoặc gây nên một số dị tật ở bào thai (như đầu nhỏ, bệnh tim bẩm sinh). Do nam giới truyền virus sang nữ giới qua nụ hôn nên hệ miễn dịch của phái đẹp có đủ thời gian để chống lại nó.
Hendrie cho rằng, khi mối quan hệ tình cảm giữa nam và nữ tiến triển, nụ hôn sẽ ngày càng trở nên nồng nàn hơn. Nữ giới hôn càng nhiều thì hệ miễn dịch càng khỏe, nhờ đó họ giảm được nguy cơ mắc bệnh. Khi người phụ nữ mang thai, nguy cơ mắc bệnh của đứa con chưa chào đời cũng giảm.
Trong một bài viết trên tạp chí Medical Hypotheses, tiến sĩ Hendrie phát biểu: "Hôn là một trong những cách truyền virus và nước bọt hiệu quả nhất qua đường miệng của con người. Nhưng khả năng chống chọi bệnh tật của hệ miễn dịch chỉ đạt mức hiệu quả nhất nếu phụ nữ hôn một người đàn ông duy nhất từ 6 tháng trở lên".
Theo VNE
Đăng nhận xét