Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ như nhiều ngày Tết khác của Việt Nam, có từ Trung Quốc. Theo sách “Phong thổ ký” thì Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan : mở đầu, Ngọ : giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Theo học thuyết âm dương ngũ hành, Ngọ được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa. Trong một ngày, dương khí cao nhất là giờ Ngọ. Trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần (đầu tháng). Trong năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ (tháng 5). Như vậy, dương khí đạt cực điểm vào giờ Ngọ của ngày Ngọ đầu tiên trong tháng Ngọ. Bởi thế Tết vào thời gian này gọi là Tết Đoan Ngọ, chọn 5/5 cho dễ nhớ.
Theo lịch cổ thì ngày này đánh dấu sự chuyển giao thực sự giữa mùa xuân và mùa hạ, xuân vận đã hết, hạ vận đã sang. Sự chuyển tiết giữa hai tạo điều kiện cho sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển, gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Bởi vậy vào tiết này, người ta làm lễ dâng hương cầu cho sâu bọ có hại bị tuyệt diệt, người tai qua nạn khỏi, được mùa. Nên Tết này còn được gọi là “ngày giết sâu bọ”.
5/5 là ngày cực dương hoặc gần với cực dương, con người cũng như mọi vật cần dự trữ năng lượng để chống lại dương khí quá cao của trời đất. Họ cần ăn một số hoa quả hay thực phẩm giàu năng lượng như trứng luộc, cái rượu, cháo chè kê, bánh đa, uống rượu xương bồ,… để khai mở cửu khiếu (9 cái lỗ tự nhiên trên cơ thể), thông dương khí hòa cùng trời đất. Nhiều người còn ăn những hoa quả có vị chua như mận với hàm ý giảm sự mãnh liệt của Can (gan), hạn chế những tác động xấu tới tạng Tâm (tim) và hệ thống mạch máu.
Người ta cho rằng vào Tết Đoan Ngọ, cây cối sẽ tích trữ nhiều dược chất để chống lại dương khí khắc nghiệt. Do đó nhiều lương y tổ chức hái thuốc vào trưa 5/5 để mong có hiệu quả cao hơn. Nên đây còn là ngày thờ tổ của ngành y, học trò theo nghề đến lễ Tết nhà thầy.
Theo Lichngaytot
Đăng nhận xét