Bùa ngũ sắc nay đã vắng bóng trong dịp Tết Đoan Ngọ
Việt Nam thường coi mùng 5 tháng 5 là “Tết giết sâu bọ”, vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này có tục “giết sâu bọ” bằng cách sáng sớm chưa ăn uống gì đã được lót dạ bằng hoa quả đương mùa và rượu nếp.
Trẻ con được treo cho những túi bùa bằng vụn lúa các màu, khâu thành hình trái đào, quả khế, quả quất, buộc chỉ ngũ sắc kết tua (gọi là bùa tua bùa túi); móng tay móng chân được nhuộm đỏ bằng lá móng (trừ ngón tay trỏ và ngón chân kề ngón cái); bôi hồng hoàng (một vị thuốc có màu đỏ pha vàng) vào thóp, vào ngực, vào rốn để trừ tà ma bệnh tật. bé gái nếu xâu khuyên tai cũng chọn ngày này. Người lớn giết sâu bọ bằng cách uống rượu (hòa ít tam thần đơn) hoặc ăn rượu nếp.
Trong tết này, các gia đình có làm lễ cúng gia tiên, cỗ cúng có cả chay lẫn mặn. Cúng đúng giờ Ngọ (giữa trưa).
Các chàng rể phải sắm quà biếu bố mẹ vợ nhân Tết mồng năm, trong đó thường có ngỗng, dưa hấu, hoặc đậu xanh, đường cát. Học trò ngành y cũng đến tết thầy, lễ vật tuỳ tâm, đại thể cũng như trên.
Ở một số vùng quê, vào giờ Ngọ (12 giờ trưa) ngày mồng 5 tháng 5, nhiều người còn đi hái lá làm thuốc, vì tin rằng đó là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh tốt hơn, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư. Người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhiều ít không kể.
Các cây cỏ chữa bệnh thông thường có tác dụng trừ phong ích khí như ích mẫu, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi được hái nhiều.
Ngày nay, chỉ còn tập tục ăn hoa quả, rượu nếp vào sáng 5/5 là còn được duy trì thường xuyên.
Theo Lichngaytot
Đăng nhận xét