Trong thực tế cuộc sống có rất nhiều người tài giỏi, xoay sở kinh doanh nhưng vẫn thất bại hay có người đã thành đạt, giàu có nhưng chỉ được một thời gian rồi sự nghiệp cũng tiêu tan. Trong khi đó lại có những người đi lên từ hai bàn tay trắng dù không có vốn, cũng chẳng có thế lực, địa vị...
Người thành công thì nghĩ mình tài giỏi, khôn ngoan, trong khi người thất bại lại cho rằng mình không may mắn hoặc là do “ý trời”.
Theo quan điểm của nhà Phật, ông trời không can dự vào việc thành bại, được mất của con người mà tất cả là do Nhân Quả, do chính việc người đó đã làm, nền tảng phước báu người đó gieo trồng trong quá khứ và hiện tại.
Phật dạy muốn làm giàu cũng phải có thiện tâm |
Khi một thương gia hỏi Phật về cách phát triển sự nghiệp của mình, Ngài đã trả lời như sau:
- Có năng lực và nghị lực.
- Có sự thận trọng.
- Hợp tác với những người có tài, người có tinh thần xây dựng, có phẩm chất đạo đức tốt.
- Cuộc sống được cân bằng
Có năng lực và nghị lực nghĩa là phải có tay nghề và cần cù sáng tạo, siêng năng không để công việc trì hoãn.
Sự thận trọng là cách giữ gìn tài sản của mình không để tổn hao một cách không cần thiết. Của cải dành dụm được có thể tiêu tan vì những thú vui đam mê sau: Quan hệ bất chính với phụ nữ; Nghiện rượu chè, ma túy; Đam mê cờ bạc; Kết thân với những kẻ bất chính, không đạo đức.
Người giàu do làm ăn chân chính bằng đôi tay và khối óc, được đức Phật khen ngợi, khuyến khích, chẳng những thế, kế hoạch tồn tại lâu dài cho việc sung túc vật chất, tiền của, được Đức Phật dạy rất kỹ.
Trên thương trường được gọi là chiến trường, không ai là kẻ khờ dại. Khi thất bại cứ nghĩ tại không gặp thời hay bị xui rủi. Người thành đạt chưa hẳn vốn nhiều, chưa hẳn giỏi hơn ai, chưa hẳn có thế lực. Cái quan trọng là gốc rễ, nền tảng của phước báu đã gieo trồng trong quá khứ.
Có 5 điều mà Phật dạy không nên kinh doanh, còn gọi là kinh doanh phi pháp trong Kinh Tăng Chi Bộ:
+ Không buôn bán vũ khí.
+ Không buôn bán người.
+ Không buôn bán thịt.
+ Không buôn bán rượu.
+ Không buôn bán thuốc độc.
Do quan niệm, “Phi thương bất phú,” ngày nay, một số người mất căn bản đạo đức đã bon chen làm giàu bằng mọi thủ đoạn thất đức mà hàng ngàn năm trước đức Phật đã khuyến cáo như trên. Không kể sự tổn hại sinh mạng của người và vật mà nhiều người phất lên rất mau để rồi lãnh những nghiệp báu khổ đau từ pháp luật đến tai nạn bệnh tật. Hủy hoại môi sinh, núi rừng, cũng là việc làm tổn đức.
Muốn làm giàu mà trường tồn mãi thì đừng làm việc xấu |
Những việc kinh doanh làm tổn hại sinh mạng của con người và vật đều làm tổn đức và thọ nhận những quả báo đau khổ ở kiếp sau.
Chúng ta làm giàu trước hết đem lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình, người làm công, phục vụ. Kế đến, đem tài sản của mình làm ra cho bà con, thân hữu, bạn bè được an vui hạnh phúc.
Ngoài ra, phải biết bố thí, cúng dường người có đời sống đạo đức, phạm hạnh, người tu sĩ đồng thời học theo đức hạnh của các ngài nhằm xây dựng phước báo tốt đẹp cho bản thân trong đời này và đời sau.
Làm giàu như Phật dạy còn có ý nghĩa tạo sự hoan hỷ cho mọi người từ gia đình đến xã hội, đó là cách làm giàu mang tính âm đức của người con Phật. Làm giàu không có tội mà chỉ có tội khi làm giàu bất chính, gây khổ đau cho mình cho người, cho mọi chúng sanh. Làm giàu chân chính vẫn là điều mà Đức Phật khuyến khích và tán thán chúng ta.
Theo Phunutoday
Đăng nhận xét