Ann Hale, nhà nhân chủng học y tế tại Đại học Sydney, tin rằng những mẩu chuyện cười được tạo ra bằng cách đặt cạnh nhau 2 khái niệm không tương xứng.
Chẳng hạn, bà Hale kể câu chuyện về một tù nhân chơi bài với người cai ngục. Vì người tù nhân đó chơi gian lận nên họ đã tổng cổ anh ta ra khỏi tù. Hale nói: "Nhà tù giam giữ bạn. Nhưng nếu bạn gian lận, bạn sẽ bị đuổi đi. Vì vậy bạn có 2 khái niệm đối lập ở đây".
Điều tương tự với những trò vui nhộn. Chúng ta cười khi thấy ai đó ngã, nhưng không phải việc ngã khiến chúng ta buồn cười, mà là chính những cố gắng để đứng thẳng được. "Điều khiến mọi người cười khi xem hề xiếc không phải là việc ngã từ dây thừng xuống, mà bạn làm gì để có thể đứng thẳng trên đó", Hale giải thích. "Nó cùng thuộc về một phạm trù nhưng lại không phù hợp nhau".
Các nhà nghiên cứu cho thấy chúng ta có thể nhận ra một cách bản năng những tình huống bất tương xứng ngay từ những năm đầu đời. "Nếu một người mẹ bò về phía mép giường, đứa trẻ sẽ cười khanh khách, bởi điều đó đi ngược lại quy luật truyền thống rằng trẻ em bò, còn mẹ thì đi".
Điều này cho thấy chúng ta phản ứng tức thì với các tình huống bất bình thường mà không nhất thiết phải nhận ra sự hài hước trong đó. Quá trình xử lý suy nghĩ này cũng được so sánh với phản ứng của những vận động viên thể thao nhà nghề, chẳng hạn như một người đánh tennis đỡ trả một quả giao bóng trước khi bộ não vào cuộc.
Tiếng cười là rất cần thiết bởi nó mang lại sự giải lao về nhận thức. "Tiếng cười mang lại sự nghỉ ngơi tạm thời sau những cuộc suy nghĩ căng thẳng. Đó là một hình thức khác của sự nhận thức mà không bị xáo trộn bởi những điều "nên", "nhưng mà" xảy ra mỗi ngày" - Hales nói.
Hale tin rằng tiếng cười là một năng lực đặc biệt của con người. Hiểu được tiếng cười và sự hài hước sẽ giúp chúng ta hiểu được quá trình tiến hoá nhận thức của nhân loại.
Theo VNE
Đăng nhận xét