Theo hãng tin AP, ngành du lịch không gian đang có những bước tiến khá nổi bật khi gần đây, khi một dự án xây dựng cảng hàng không chỉ chuyên phục vụ cho du lịch vũ trụ đang được tiến hành xây dựng.
Tuy đã hình thành và phát triển từ nhiều năm trước, nhưng khách hàng chính của ngành du lịch không gian chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, bao gồm những người giàu có nhất nhì trên thế giới. Hơn nữa, địa điểm du lịch cũng hoàn toàn bị giới hạn trong khuôn viên của Trạm vũ trụ quốc tế ISS và phương tiện di chuyển hoàn toàn sử dụng động cơ tên lửa đẩy của Nga.
Đến năm 2020, bạn sẽ có cơ hội được du lịch trong không gian vũ trụ với mức giá bình dân.
Năm 1995, Quỹ X Prize Foundation đã nảy ra ý tưởng về một phần thưởng trị giá 10 triệu đô nhằm tài trợ cho nhà phát triển tư nhân có khả năng phát minh ra được tàu vũ trụ tái sử dụng, có khả năng chở được 3 người đi đến độ cao 62 dặm (100 km).
Hơn nữa quá trình bảo dưỡng sau khi hạ cánh để tái sử dụng không được kéo dài quá một tuần. Nói cách khác, loại tàu vũ trụ này phải có khả năng bay hàng tuần và sử dụng nhiều lần trong thời gian dài.
Giải thưởng X Prize đã đánh dấu cho bước phát triển mới cho ngành du lịch vũ trụ nhằm hướng đến phục vụ đông đảo người dân.
Vào thời điểm công bố giải thưởng này, nhà thiết kế hàng không vũ trụ danh tiếng Maverick Burt Rutan, người đã tạo ra Voyager, chiếc máy bay đầu tiên có khả năng bay trọn một vòng Trái đất vào năm 1986 đã dự đoán rằng chỉ trong vòng 3 năm, X Prize sẽ tìm ra được người chiến thắng.
Tuy nhiên, trên thực tế phải hơn 8 năm sau đó, người ta mới có đủ trình độ khoa học và công nghệ để tạo ra được một con tàu vũ trụ đáp ứng được yêu cầu của giải thưởng.
Vào ngày 21 Tháng 6 năm 2004, chiếc phi thuyền có người lái mang tên SpaceShipOne – được thiết kế bởi Rutan và tài trợ bởi nhà đồng sáng lập của Microsoft là Paul Allen - đã vượt qua được cao độ hơn 62 dặm phía trên vùng trời của sa mạc California và sau đó quay về hạ cánh an toàn tại sân bay Mojave dưới sự reo hò cuồng nhiệt của đám đông.
Tuy có thành công vô cùng ngoạn mục, nhưng SpaceShipOne vẫn chưa thể đáp ứng được điều kiện của giải thưởng khi không thể thực hiện các chuyến bay ở tần suất hàng tuần. Sự phát triển bất ngờ của SpaceShipOne đã dẫn đến sự ganh đua phát triển của hàng chục công ty hàng không vũ trụ khác trên thế giới.
Đến ngày 29 tháng 9 cùng năm, SpaceShipOne bất ngờ được cho phép bay thử nghiệm lại và chưa đến một tuần sau đó, tức vào ngày 4 tháng 10, tàu vũ trụ này tiếp tục bay lần hai và kết thúc thắng lợi hoàn toàn.
Lần này, nhà sáng lập của quỹ X Prize Foundation là Peter Diamandis đã chính thức tuyên bố đội SpaceShipOne là người giành được giải thưởng khổng lồ trị giá 10 triệu đô la.
Theo quy định của Liên đoàn hàng không và không gian thế giới FAI, thì ranh giới phân chia giữa bầu khí quyển của Trái Đất và không gian vũ trụ nằm ở cao độ khoảng 100 km tính từ mực nước biển.
Ranh giới này được đặt tên là đường Karman, được sử dụng để phân biệt giữa hàng không dân dụng và du hành vũ trụ. Tức là khi bay dưới đường Karman thì vẫn còn là hàng không dân dụng. Chỉ khi bạn bay được lên trên đường Karma thì mới được xem là du hành vũ trụ.
Hiện nay, tại một căn cứ quân sự nằm sâu trong vùng sa mạc phía nam New Mexico, các quan chức chính phủ lẫn các nhà quản lý tư nhân đang hối thúc cho việc xây dựng Spaceport America.
Nơi đây sẽ trở thành cảng hàng không đầu tiên trên thế giới có khả năng phục vụ được cho việc hạ cánh của các máy bay thương mại phục vụ cho hoạt động du lịch không gian.
Các nhà đầu tư đã rót vào nơi này hơn 250 triệu đô la với hy vọng nơi đây sẽ trở thành một bước nhảy vọt vào kỉ nguyên mới của ngành du lịch không gian vũ trụ.
Vào thời điểm trước, sự thiếu hụt của các cảng hàng không không gian chính là trở ngại lớn cản trở cho sự phát triển của ngành du lịch vũ trụ trong quá trình mở rộng hướng đến các đối tượng ít tiền hơn.
Giám đốc quản lý dự án sân bay vũ trụ Spaceport America là Christine Anderson cho biết rằng các nhà nghiên cứu hiện cũng đang tiến hành thiết kế và chế tạo SpaceShipTwo, thế hệ cải tiến của SpaceShipOne.
Anderson thừa nhận rằng dự án này chính là vấn đề then chốt cho việc phát triển du lịch của ngành du lịch không gian trong nước Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung. Dự kiến vào năm 2017, nơi này sẽ bắt đầu có những chuyến bay hàng tháng và cho đến năm 2020, cảng hàng không vũ trụ này sẽ đưa đón tổng số hơn 100.000 khách du lịch.
Đăng nhận xét