banner

Một số ý kiến phủ nhận việc Lê Lai hy sinh và cho rằng ông đã bị Lê Lợi xử tử. Vậy đâu là sự thật về cái chết của Lê Lai?

Lê Lai là người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược ngay từ giai đoạn cuộc khởi nghĩa còn trong trứng nước. Về cái chết của ông, giới sử học hiện nay đều cho rằng ông hi sinh khi cải trang làm Lê Lợi để đánh lạc hướng quân Minh đang bao vây nghĩa quân, giúp Lê Lợi và nghĩa quân thoát hiểm. Nhưng một số người lại phủ nhận việc Lê Lai hy sinh và xác định rằng: chính Lê Lợi là người giết chết Lê Lai. Vậy đâu là sự thật về cái chết của Lê Lai - người anh hùng liều mình cứu chúa?
Lê Lai hi sinh vì nước hay bị Lê Lợi xử tử?
Sách Lam Sơn thực lục (biên soạn sau khi cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, lúc Lê Lợi đã lên ngôi Hoàng Đế) là tài liệu đầu tiên ghi nhận việc Lê Lai liều mình cứu chúa và anh dũng hi sinh (năm 1418). Các sách khác như Đại Việt thông sử, Lam Sơn thực lục tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… cũng đều chép chuyện Lê Lai hi sinh, trong đó Đại Việt thông sử chép chi tiết nhất. Đó là cơ sở về mặt thư tịch để các nhà sử học khẳng định việc Lê Lai hi sinh năm 1418. Nhưng trong bộ quốc sử lớn nhất thời phong kiến là Đại Việt sử kí toàn thư, việc Lê Lai hi sinh không được nói đến. Chẳng những thế, ở phần biên niên về tháng Giêng năm 1427, sách này còn viết: “Giết Tư Mã Lê Lai, tịch thu gia sản vì Lai cậy có chiến công, ăn nói ngạo mạn”. Dựa vào chi tiết này, có người cho rằng Lê Lai không chết trong lần cải trang cứu chúa năm 1418 mà đến năm 1427 do ngạo mạn cậy công nên mới bị giết.
Thực ra chỉ dựa vào một câu trong Đại Việt sử kí toàn thư để phủ nhận ghi chép của những quyển sử khác là điều phiến diện. Ghi chép của sách này dẫn người đọc đến việc suy đoán nước đôi: Lê Lai năm 1427 hoặc là Lê Lai năm 1418 hoặc không. Sách này không chép truyện Lê Lai cải trang phá vây nên càng khó để xác định Lê Lai của năm sau là Lê Lai của năm trước. Vì vậy, nếu muốn khẳng định rằng Lê Lai còn sống sau lần phá vây và đến năm 1427 mới chết theo quan điểm của một số người thì phải chứng minh được Lê Lai trong Đại Việt sử kí toàn thư và Lê Lai trong các sách như Lam Sơn thực lục chỉ là một người. Điều này phải dựa vào nhiều nguồn tài liệu khác nhau chứ không thể chỉ căn cứ vào một câu trong Đại Việt sử kí toàn thư.
Các thư tịch cổ chép về Lê Lai quan trọng nhất là 5 quyển sách kể trên. Trong đó, ngoại trừ Đại Việt sử kí toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Lam Sơn thực lục chỉ chép một trong hai sự kiện năm 1418 hoặc 1427, còn Đại Việt thông sử và Lam Sơn thực lục tục biên (sao lại năm 1942) đều chép cả hai sự kiện, có đầy đủ mốc thời gian. Về sự kiện măm 1418, Đại Việt thông sử chép: “Lê lai… tự nguyện thay đổi mặc áo bào nhà vua, xưng là vua Lê ở Lam Sơn, dẫn quân ra đánh nhau với quân Minh… Lê Lai chống cự đến kiệt sức thì bị bắt, quân Minh dẫn Lê Lai về thành Đông Quan giết chết” (Đế kỉ, Thái Tổ thượng). Ở phần liệt truyện về Lê Lai, sách này còn chép Lê Lợi sai người ngầm tìm thi hài Lê Lai, đem về Lam Sơn hậu táng. Về sự kiện tháng Giêng năm 1427, sách này chép: “Viên Tư Mã là Lê Lai cậy có chiến công, thường thốt ra những lời khinh nhờn. Vua (chỉ Lê Lợi-người dẫn) sai xử tử và tịch thu gia sản”. Vậy là sách này đã chép rõ cả việc Lê Lai chết năm 1418 và Lê Lai chết năm 1427. Hai sự kiện trên cũng được sách Lam Sơn thực lục tục biên chép tương tự. Ngoài ra, gia phả dòng họ Lê Lai ở Dựng Tú (Thanh Hóa) cũng chép truyện Lê Lai chết vì nước năm 1418. Truyền thuyết dân gian cũng nói đến việc Lê Lai liều mình cứu chúa rồi bị kẻ thù giết chết.
Như vậy, có đủ cơ sở để khẳng định Lê Lai đã hi sinh năm 1418 và trong hàng ngũ nghĩa quân cùng có hai người mang tên họ là Lê Lai (có thể trùng tên trùng họ hay trùng tên khác họ nhưng được ban quốc tính (họ Lê)). Viên Tư Mã Lê Lai của năm 1427 hoàn toàn không phải là Lê Lai bị quân Minh giết hại năm 1418. Cách chép sử thiếu sự kiện của Đại Việt sử kí toàn thư là đầu mối dẫn đến suy luận thiếu căn cứ cho rằng Lê Lai bị Lê Lợi xử tử như nói ở trên.
Cái chết vì đại nghĩa của người anh hùng
Theo sử sách, Lê Lai người làng Dựng Tú, huyện Lương Giang (nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa), xuất thân trong một gia đình đời đời làm phụ đạo ở đất Dựng Tú. Lê Lai đến với Lê Lợi từ sớm, khi Lê Lợi tổ chức hội thề Lũng Nhai thề diệt giặc cứu nước (năm 1416) thì Lê Lai là một trong 19 người dự hội thề ấy.
Ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (7/2/1418), Lê Lợi chính thức phát động khởi nghĩa. Quân Minh hay tin đã điều binh đến đàn áp. Bị quân thù hùng mạnh càn quét, nghĩa quân rút lui dần và cuối cùng phải rút lên núi Chí Linh (thuộc huyện Lang Chánh, Thanh Hóa). Quân Minh vây chặt quanh núi, quyết tiêu diệt toàn bộ nghĩa quân. Vòng vây quân thù ngày một xiết chặt khiến nghĩa quân hao hụt dần, lương thực cạn kiệt, phải ăn củ nâu, mật ong để cầm cự. Nếu không sớm thoát khỏi tình thế hiểm nghèo này, cuộc khởi nghĩa có nguy cơ bị dập tắt, quân tướng Lam Sơn có thể bị tuyệt diệt.
Mô tả ảnh.
Lê Lai tình nguyện giả trang cứu chúa. (Ảnh minh họa)
Chủ tướng Lê Lợi hội họp các tướng bàn cách giải nguy. Ông hỏi các tướng:
- Ai dám đổi áo, thay ta đem quân ra đánh giặc, xưng danh hiệu của ta, bắt chước như Kỉ Tín đời Hán (người đã cải trang thành Lưu Bang để cho quân của Hạng Vũ bắt, giúp Lưu Bang thoát thân, về sau đánh bị Hạng Vũ lập ra nhà Hán bên Trung Quốc – người dẫn), để cho ta có thể giấu tiếng, nghỉ binh, tập hợp tướng sĩ, mưu tính cuộc nổi dậy về sau?
Chư tướng đều lặng im, chỉ có Lê Lai đứng dậy khẳng khái nói lớn: “Tôi xin đi”.
Thế rồi, Lê Lai cải trang thành Lê Lợi, dẫn 500 quân cảm tử và 2 voi chiến xông ra đánh địch, tự xưng là chúa Lam Sơn. Quân Minh tưởng thật, hùng hổ xông đến. Lê Lai đã dũng cảm chiến đấu nhưng quân ít, thế cô, cuối cùng toàn quân bị diệt, bản thân bị quân Minh bắt giải về, sau đó bị xử tử bằng cực hình. Tưởng rằng đã giết được Lê Lợi, đánh tan quân khởi nghĩa, tướng Minh hí hửng thu quân, triệt thoái khỏi Chí Linh. Lê Lợi và các nghĩa binh còn lại nhờ đó mới thoát hiểm và tính kế mưu sự trở lại.
Gương hi sinh anh dũng của Lê Lai đã giúp nghĩa quân Lam Sơn bảo toàn được lực lượng để có thể hoạt động trở lại và giành những thắng lợi vẻ vang sau này. Vì đại nghĩa quên mình, cái chết của ông là cái chết vinh quang, tên tuổi của ông đời đời không phai trong kí ức bất diệt của nhân dân. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, đã truy phong cho Lê Lai là Suy Trung Đồng Đức Hiệp Mưu Bảo Chính Lũng Nhai Công Thần, hàm Thiếu Úy rồi Thái Uý. Đời Lê Thánh Tông (1460-1497) gia phong là Trung Túc Vương. Con cháu của ông nối đời đều được trọng dụng, hưởng phúc dài lâu với triều Lê trong gần 400 năm (1428-1788).

Nhãn:

Đăng nhận xét

Gia Đình

[Gia-dinh][fbig1]

Sức khỏe

[Suc-khoe][fbig2]

Khoa học - Công nghệ

[Khoa-hoc][Cong-nghe][column1]

Làm đẹp

[Lam-dep][hot]

Thú vị

[Thu-vi][gallery2]

Động vật

[Dong-vat][column1]

Du lịch

[Du-lich][gallery3]

Author Name

{facebook#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {twitter#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {google#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {pinterest#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {youtube#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {instagram#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.