Kim Dung, trong cuộc phỏng vấn của một tờ báo Hồng Kông năm 1994, được hỏi ai là người có võ công cao nhất trong các tiểu thuyết của mình. Ông trả lời ngay: Trương Tam Phong.
Kim Dung tâm đắc nói, võ công của Trương Chân Nhân “cao lắm, cao không thể tả được"...
Cũng trong buổi phỏng vấn đó, khi được hỏi về nhân vật võ công số 2 sau Trương Tam Phong, Kim Dung nói ông thích nhân vật Kiều Phong nhất. Chỉ là thích thôi, chứ ông không nói võ công của Kiều Phong mạnh hơn những người còn lại.
Kim Dung cũng nhấn mạnh, đối với ông võ công chỉ là một thứ mà giúp người tập luyện mang được trong người một bản lĩnh đủ để chống chỏi với đời, để hành hiệp trượng nghĩa, chứ không sử dụng nó để so tài cao thấp.
Vậy tại sao Kim Dung lại ưu ái với Trương Tam Phong như vậy, khi nói Trương Chân Nhân là cao thủ đệ nhất trong các bộ truyện của mình? Sau đây là kiến giải của chúng tôi...
1. Do Kim Dung hâm mộ lẽ sống của Trương Tam Phong "thật"
Trương Tam Phong (Trương Quân Bảo) là 1 nhân vật lịch sử có thật ở thời cuối nhà Minh đầu nhà Thanh, không phải hoàn toàn là hư cấu. Ông là người sáng lập ra phái Võ Đang cũng như hai môn võ "thái cực quyền" và "thái cực kiếm".
Mặc dù các ghi chép về ông không nhiều, nhưng các truyền thuyết và lời kể về ông cho thấy ông là 1 tông sư võ học Trung Quốc mọi thời đại, đến cả Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương cũng 5 lần 7 lượt cho mời bằng được ông về phục vụ.
Tuy vậy, Trương Tam Phong là 1 đạo sĩ ẩn dật, đúng chất của 1 "cao thủ võ lâm", không màng danh lợi, không cần phải so tài cao thấp với ai, hành hiệp giúp đời và thay vì tới giúp Minh Thái Tổ. Ông thích cuộc sống thần tiên ngao du sơn thủy hơn.
Có lẽ bởi vì thích nhân vật này, thích cái sự "thần tiên" của Trương Tam Phong mà Kim Dung đã đưa ông vào các bộ truyện của mình, "cho" Trương Chân Nhân đạt cảnh giới cao nhất của võ học, và sống tới tận 200 tuổi.
2. Kim Dung muốn xây dựng 1 tượng đài võ học và truyền tải triết lý võ học của mình
Trương Tam Phong xuất hiện lần đầu trong bộ Thần Điêu Hiệp Lữkhi mới 14 tuổi, lúc đó ông đi theo giúp việc cho đại sư Giác Viễn trong chùa Thiếu Lâm. Và hình ảnh về ông kết thúc trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long ký.
Về võ công của Trương Tam Phong trong Ỷ Thiên Đồ Long ký thì Kim Dung từng nói rằng:
"Trương Tam Phong tinh thông võ công thiên hạ, luyện được cả nhu cương, âm dương, sáng tạo ra môn võ thái cực quyền và thái cực kiếm lấy nhu chế cương, hiểu đạo lý trời đất."
"Võ công của Trương Tam Phong nghìn năm trước không ai sánh bằng, nghìn năm sau cũng chẳng ai vượt qua nổi."
Điều đó chứng tỏ nhân vật Trương Tam Phong được tạo ra nhằm xây dựng 1 tượng đài lớn nhất trong võ học, 1 cảnh giới cao tới mức mà võ thuật khi đó không còn là cuộc đấu của sức mạnh, các cuộc giao tranh không còn có ý nghĩa hơn thua nữa.
3. Khi so sánh với 2 đại cao thủ khác...
Trong các bộ truyện khác của Kim Dung, có 2 nhân vật mà người ta thường nhắc tới, võ công khả dĩ có thể so sánh với Trương Tam Phong là "Vô Danh đại sư" trong Thiên Long Bát Bộ và "Độc cô cầu bại" trong Thần Điêu Hiệp Lữ.
Giống với Trương Tam Phong, 2 người này cũng đã luyện thành võ công ở mức cảnh giới, "vô đối" trong các bộ truyện có sự xuất hiện của mình, và được nhắc tới như những huyền thoại.
Có lẽ nếu chúng ta là những fan ruột của kiếm hiệp, và so sánh công bằng, võ công của Trương Tam Phong chưa chắc đã mạnh hơn 2 vị cao nhân kia. Tuy nhiên nếu xét về sự sáng tạo trong võ học, sự thấu hiểu chân lý võ học, thì 2 vị kia có lẽ vẫn chưa sánh nổi.
Vô Danh đại sư mặc dù có thể chế ngự Kiều Phong hay các nhân vật mạnh nhất Thiên Long Bát Bộ, nhưng đó cũng là học võ của thiếu lâm tự, 40 năm vùi mình trong Tàng Kinh Các, thấu hiếu cội nguồn võ học, nhưng ông không tạo ra được những môn võ mới.
Kiếm Ma "Độc cô cầu bại" thì ngửa mặt lên trời thấy mình vô đối, lên núi tập luyện và đã đạt tới mức "kiếm khí giết người", võ công có thể rất cao nhưng vẫn còn tính ganh đua, vẫn nghĩ võ thuật là để xưng bá thiên hạ, vẫn còn "sát khí" trong khi giao tranh.
Chỉ có Trương Tam Phong là thực sự không còn coi võ học là thứ để ganh đua, để tranh giành "thiên hạ đệ nhất", và ông còn sáng tạo ra những môn võ công của riêng mình. Môn võ công lấy nhu thắng cương có lẽ là điều độc nhất vô nhị trong võ học.
Tạm kết...
Thừa nhận Trương Tam Phong là mạnh nhất, Kim Dung có lẽ muốn nhắn nhủ cho các fan của ông rằng, võ học tinh hoa nhất là lấy tĩnh chế động, lấy nhu chế cương, và những người giỏi nhất là những người không quan trọng rằng... ai là người giỏi nhất!
Đăng nhận xét